Sân bay Phan Thiết được Chính phủ xác định là sân bay quân sự – dân dụng kết hợp. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư trong 2019, để tổ chức xây dựng trong giai đoạn 2020-2021.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã tập trung tổ chức lập hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án và tổ chức khởi công dự án từ thời điểm năm 2015.
Quy mô của sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009.
Theo đó, sân bay Phan Thiết giai đoạn đến 2020 phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn…; giai đoạn định hướng đến năm 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường; cấp sân bay dân dụng cấp 4C – quân sự cấp I với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, chủ yếu khai thác máy bay nhỏ; riêng máy bay A320, A321 yêu cầu hạn chế tải, đường bay ngắn hơn 2.000 km; công suất thiết kế đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/năm.
Theo Quy hoạch này, sân bay Phan Thiết khi đưa vào khai thác chủ yếu phục vụ bay taxi tuyến nội địa, chưa quy hoạch tuyến bay thường lệ, …trường hợp phát triển và có thị trường quốc tế thì chỉ trong khu vực Đông Nam Á.
Ngày 29/12/2014, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Quyết định số 4236/QĐ-UBND với quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; tổng mức đầu tư là 1.693.737 triệu đồng, thời gian thu phí hoàn vốn không quá 84 năm 8 tháng; lựa chọn Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông thực hiện hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT tại Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 09/01/2015 và ký kết hợp đồng dự án số 2741/HĐ.BOT -UBND ngày 20/9/2016 với thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm.
Ngay sau khi khởi công, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Đến nay đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng 543 ha và bàn giao cho Công ty Cổ phần Rạng Đông và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý.
Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, UBND tỉnh đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m.
Căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sân bay Phan Thiết là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, công suất thiết kế hành khách 2 triệu hành khách/năm tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018; Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1925/QĐBGTVT ngày 29/8/2018.
Việc phải điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E dẫn đến quy mô, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên nhiều và cần phải thực hiện lại một số thủ tục về đầu tư theo quy định hiện hành.
Ngày 04/3/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 742/UBND-ĐTQH và Công văn số 743/UBND-ĐTQH lấy ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng góp ý hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đồng thời có Tờ trình số 745/TTr-UBND ngày 04/3/2019 và Tờ trình số 1016/TTr-UBND ngày 25/3/2019 trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án.
Sở Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với nhà đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các Sở, ngành, địa phương của tỉnh; đơn vị tư vấn cũng đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở theo Báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Tổng vốn đầu tư sân bay Phan Thiết giai đoạn 2020 – 2021 khoảng 10.272,9 tỉ đồng, và giai đoạn định hướng đến 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 69 năm đảm bảo phù hợp Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, nhà đầu tư cũng đã cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017 và 2018, các tài liệu chứng minh số vốn tự có và số vốn vay cần thiết đảm bảo năng lực tài chính đầu tư dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, các bên liên quan đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, ngành địa phương để trình thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư trong năm 2019 để tổ chức triển khai xây dựng sân bay Phan Thiết trong năm 2020 – 2021.