Theo Bộ Xây dựng, với dân số trên dưới 10 triệu người, TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc quá tải cơ sở hỏa táng và nghĩa trang.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành đã làm việc với Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM về quy trình thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng để giảm thời gian thực hiện dự án trên địa bàn thành phố. Tại đây, lãnh đạo một số bộ, ngành cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị với TP.HCM trong việc phát triển và quy hoạch đô thị.
Đề nghị quan tâm tới xây nghĩa trang và cơ sở hỏa táng
Phát biểu tham luận, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Bùi Phạm Khánh đã đưa ra một số đề xuất trong việc phát triển đô thị ở TP.HCM trong thời gian tới. Theo đó, ông Khánh đề xuất TP.HCM cần chú trọng công tác phát triển quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị, nhằm mở rộng không gian. Trong đó, cần lưu ý phát triển đô thị công nghệ, đô thị thông minh.
“Quy hoạch vùng của TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010. Hiện tại, UBND TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Đề nghị TP.HCM quan tâm vấn đề này”, ông Khánh nói.
Ý kiến thứ hai của Bộ Xây dựng là đề nghị TP.HCM lưu ý công tác quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới, đặc biệt là chương trình phát triển nhà đã được phê duyệt. “Hiện tại TP.HCM có tỷ lệ đô thị hóa 82-85%, trong khi cả nước chỉ 30% nhưng rất mong thành phố quan tâm nội dung này. Đặc biệt là triển khai các công cụ cho phát triển đô thị”, ông Khánh nói.
Bộ Xây dựng cho rằng với dân số đông, TP.HCM sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP.HCM quan tâm đến công tác phát triển nhà xã hội cho người thu nhập thấp đô thị. Thực tế hiện nay là quy mô nhà ở xã hội còn hạn chế, chưa tương xứng, trong khi nhu cầu rất lớn từ công nhân khu công nghiệp, sinh viên…
Đặc biệt, ông Bùi Phạm Khánh còn đề nghị TP.HCM cần quan tâm đến công tác nghĩa trang, cho xây dựng thêm các cơ sở hỏa táng trên địa bàn. TP.HCM là đô thị tập trung đến 10 triệu dân, chưa kể vãng lai, nên công tác quản lý và xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng rất quan trọng.
“Thành phố rất đông dân nhưng quỹ đất dành cho nghĩa trang đang rất hạn hẹp và sử dụng chung nghĩa trang vùng Bình Dương, Đồng Nai. Rất mong rằng TP.HCM quan tâm đến nghĩa trang, xây dựng các cơ sở hỏa táng. Việc quản lý đô thị vừa tính đến người sống, vừa phải có người chết”, ông Khánh nói.
Đẩy nhanh làm vành đai và cao tốc kết nối TP.HCM với xung quanh
Mặt khác, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông là điểm nghẽn rất lớn của TP.HCM, nếu không giải quyết triệt để và tức thì thì sẽ kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Theo ông Thể, TP.HCM mới chỉ làm được 51/64 km đường vành đai, vẫn còn 13 km nữa mới khép kín. Ông Thể nhận định đường vành đai 3 và 4 rất quan trọng nên TP.HCM cần sớm hình thành, nếu không giao thông sẽ rất hỗn độn. Chưa kể, đường vành đai 3 và 4 có thể giúp TP.HCM kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây một cách thuận tiện.
Bộ GTVT đề nghị TP.HCM quan tâm xây dựng metro, đường vành đai.
Ông Thể cũng nhấn mạnh công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng, nếu càng để kéo dài thì giá càng đội lên cao. Ông lấy ví dụ Quảng Ninh đã huy động nguồn vốn để giải phóng mặt bằng nên triển khai các dự án nhanh và rất hiệu quả. Do đó, TP.HCM cần nhanh chóng tạo sự đồng thuận để có thể sớm triển khai đường vành đai 3.
Nói về các cao tốc, ông Thể nhắc đến 6 đường cao tốc kết nối TP.HCM với xung quanh, nhưng hiện tại mới có 2 cao tốc hoàn thành. “Khi mà 2 cao tốc hiện tại đang dần quá tải, Bộ đang triển khai khẩn trương tới cuối 2020 và 2021 thì khép kín được đường cao tốc thứ 3 là Bến Lức – Long Thành”, ông Thể nói.
Vấn đề giao thông thứ 3 mà Bộ trưởng GTVT nhắc đến là phát triển tuyến metro trong bối cảnh TP.HCM ngày càng đông dân. Bộ GTVT đề xuất ứng tiền của ngân sách trung ương hoặc tự ứng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành metro số 1. Việc đẩy nhanh metro số 1 là điều kiện quan trọng phát triển giao thông TP.HCM và các tỉnh lân cận.