Nhiều nhận định đang đặt ra sự lo ngại về một thị trường bất động sản thiếu hụt nguồn cung, có thể dẫn tới tình trạng bong bóng nếu giá bị đẩy lên khi hàng khan hiếm. Song không ít ý kiến lại cho rằng, thị trường hiện đang rơi vào tình trạng mất thanh khoản khi cầu nhà ở thực quá ít.
Thị trường đang thiếu hụt nguồn cung
Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu bất động sản đều đưa ra một bức tranh của thị trường, đó là tình trạng lượng cung trong 6 tháng đầu năm 2019 có sự sụt giảm mạn. Hầu như, nguồn cung mới ra thị trường khá “nhỏ giọt”. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự chậm trễ về mặt pháp lý khiến dự án cung mới ra đời chậm.
Tại hội thảo Xu thế sở hữu bất động sản: “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” mới đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo một vài năm tới, thị trường bất động sản sẽ khan hiếm nguồn cung.
Ông Võ nhận định, nguồn cung bất động sản cụ thể là lượng dự án đưa ra thị trường từ cuối năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 gần như bằng không (các dự án ít ỏi đang bán năm 2019 đã phải chuẩn bị và hoàn thành pháp lý từ một vài năm trước).
“Tôi lo một vài năm nữa, thị trường bất động sản sẽ thiếu cung, vì vậy chúng ta phải tính từ bây giờ. Khi thiếu cung giá sẽ tăng, cần phải tính đến các hệ lụy của nó”, ông dự báo.
Với lượng dân số đông, nguồn cung thị trường ra nhỏ giọt, giới chuyên gia lo ngại tình trạng, khi cung khan hiếm, giá cả bị đẩy lên. Điều này có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản. Đáng quan ngại hơn, khi bức tranh nguồn cung trong tương lai càng trở nên thiếu hụt, lực cầu về sản phẩm lớn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn tới mất thăng bằng trong cán cân cung – cầu, khiến thị trường bị bóp méo.
Chưa bao giờ, sự e ngại về tình trạng thiếu cung lại khiến nhiều người đặt ra lo lắng như vậy.
Hay mất thanh khoản?
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, giới đầu tư lại cho rằng, thị trường bất động sản thực tế đang rơi vào tình trạng đáng lo ngại hơn thiếu cung, đó là mất thanh khoản.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Phạm Quang Tùng (Giám đốc Thanh Tùng Land) cho rằng, các báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường chỉ dẫn chứng tình trạng thiếu nguồn cung mới còn bản chất, thực tế, thị trường đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung dư thừa.
Lý giải quan điểm của mình, ông Tùng cho hay, thị trường bất động sản kể từ năm 2015 đã có sự phát triển ồ ạt, hàng loạt dự án đã ra đời. Đặc biệt, nguồn cùng bất động sản đưa ra thị trường với lượng khổng lồ cùng sự đa dạng về loại hình.
“Tính tổng nguồn cung, tôi cho rằng, lượng cung còn đủ tiêu thụ trong vòng 5 năm tới. Hơn nữa, thị trường hiện nay đã diễn ra tình trạng mất thanh khoản, khách mua nhà để ở thực rất thấp. Đa phần các dự án ra đời chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, mua đi bán lại. Đó là những người có khoản tiền nhàn rỗi hoặc sẽ đi vay ngân hàng”.
Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, nếu cho rằng thị trường đang thiếu nguồn cung thì cần phải có thống kê xem có bao nhiêu căn hộ đã đưa ra thị trường trong các năm 2015 – 2018, có bao nhiêu căn hộ tiếp tục đưa ra trong 2019 – 2020, và trong số đó có bao nhiêu người ở mới thực sự.
TS. Đinh Thế Hiển cho hay: “Hiện tại, chúng ta đã có bao nhiêu căn hộ được bàn giao nhưng chưa có người vào ở. Thực tế, căn hộ mới đang xây đến bàn giao vẫn còn rất nhiều căn trống. Ngoài ra, nếu thiếu cung, hãy thống kê các căn hộ xem người mua nhằm mục đích đầu tư hay để ở. Với sự tìm hiểu của tôi thì thị trường sơ cấp và thứ cấp chưa rơi vào tình trạng đáng lo ngại vì thiếu cung”.
Vị chuyên gia kinh tế này bày tỏ lo ngại về tình trạng mất thanh khoản của thị trường hiện nay: “Thị trường bất động sản đang bị lo mất thanh khoản, mất nhu cầu mua vì các ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 7% lên 8 – 10%, điều này sẽ dẫn tới lãi suất cho vay được điều chỉnh tăng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay bất động sản cũng hạn chế hơn. Những người vay mới gặp khó khăn hơn vì thủ tục cho vay khó hơn và lãi suất tăng cao. Còn người mua cũ đang bị áp lực vì tăng lãi suất trong năm nay và năm sau.
Thị trường bất động sản đã được hưởng lợi từ lãi suất thấp trong các năm 2015 – 2018, và đang đi vào giai đoại lãi suất cao. Và thực tiễn cho thấy, các đợt suy thoái bất động sản trước đây đều có nguyên nhân quan trọng từ lãi suất ngân hàng tăng”.