Đến ngày 31/12/2019 không hoàn thành thì Bộ GTVT sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng.
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Tại phiên chất vấn các đại biểu dành nhiều câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về giải pháp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc quan trọng, việc triển khai thu phí tự động không dừng, bồi thường hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dự án giao thông…
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng GTVT đã tập trung chỉ đạo thu phí điện tử, thu phí không dừng, quyết tâm đến 31/12/2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với với 44 trạm, 620 làn. Tuy nhiên, qua kết quả làm việc của Bộ với Tổng cục Đường bộ cho thấy hiện nay mới triển khai 29 trạm và với 161 làn.
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Nghị quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng. Theo quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 thì đến 31/12/2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động, không dừng. Cách đây khoảng 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có Nghị định trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện công tác này.
Về tiến độ thực hiện, trong 2 năm nay có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, hàng tháng Bộ đều họp giao ban và có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng các nhà đầu tư trong điều kiện hợp đồng và trong phối hợp thực hiện, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt thì sẽ triển khai nhanh.
Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi họp chỉ có một đơn vị quan ngại nhất, đó là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam – đây là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng Công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này triển khai chậm. Bộ đã có văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình, nếu tình hình không cải thiện và chậm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc nhà đầu tư. Và đến ngày 31/12/2019 không hoàn thành thì sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng.
Hiện nay Bộ thực hiện kiểm tra tiến độ hàng tháng, có giải pháp để nhà các đầu tư không bất ngờ, nếu cứ chây ì thì phải chấp nhận hậu quả kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tranh luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc triển khai trạm thu phí không dừng, chúng ta quyết tâm thế là tốt, nhưng phải đánh giá hết, lường hết những vấn đề mà nếu như kết thúc các doanh nghiệp không chấp hành. Việc thu, hay không thu là vấn đề rất lớn. Hơn nữa, khi thực hiện điện tử, thì những người sử dụng dịch vụ này phải được phổ cập kiến thức. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại lưu ý, đây là việc rất lớn, có xáo trộn xã hội, mặc dù nhà nước có chỉ đạo.
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại về thời điểm tiến hành khởi công và hoàn thành dự án đường tránh tuyến thành phố Long Xuyên đã được Chính phủ phê duyệt và Thủ tướng 2 nhiệm kỳ tập trung quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đáng lẽ dự án đã được triển khai cách đây nhiều năm, nhưng có nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh. Vừa qua, Bộ đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho thàn phố Long Xuyên và tỉnh An Giang, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành công tác kiểm đếm, làm các thủ tục chuẩn bị chi tiền.
Riêng vốn sử dụng vốn ODA, vừa qua Quốc hội đã thống nhất bổ sung 8 dự án ODA, trong đó có dự án Long Xuyên, hiện Chủ tịch nước đã ký hiệp định và đồng ý bổ sung dự án. Khâu cuối cùng là phiên làm việc của Bộ Tài chính với phía cung cấp vốn dự án ODA để hoàn thành hiệp định, đầu năm 2020 khi hiệp định được ký sẽ cố gắng hoàn thành. Thời gian thi công khoảng 2 năm, cố gắng năm 2022 sẽ xong đường tránh tuyến thành phố Long Xuyên.
Đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xã hội hoá để khai thác các cảng hàng không sân bay hiện nay có những khó khăn, vướng mắc gì và giải pháp nào để thu hút các nguồn lực để thực hiện xã hội hoá việc này trong phạm vi cả nước ngày càng tốt hơn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thì Bộ GTVT tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Chu Lai ở Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỉnh Quảng Nam đã tham gia góp ý với đơn vị tư vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến những khó khăn trong vấn đề xã hội hoá các cảng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay cả nước có 22 sân bay, chỉ riêng sân bay Vân Đồn nhà đầu tư đang quản lý, 21 sân bay còn lại đã tồn tại trong thời gian dài. Chính phủ đã có quyết định chính thức giao 21 cảng hàng không này cho Tổng Công ty cảng hàng không ACV quản lý.
Tổng Công ty ACV là một doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay vốn nhà nước còn 95,6%, gần như là 100%. Do đó, ACV có trách nhiệm sẽ đầu tư 21 cảng hàng không này. Trong 21 cảng hàng không chỉ có 8 cảng hàng không đem lại lợi nhuận lớn, các sân bay còn lại thu không đủ chi. Tổng Công ty ACV phải lấy nguồn thu từ các cảng có thu nhập cao để hỗ trợ cho các cảng hàng không còn lại.
Do đó, khi chúng ta xã hội hóa thì các nhà đầu tư bên ngoài, chủ yếu tập trung vào những cảng hàng không có sinh lợi nhuận cao để làm và cho các doanh nghiệp này làm thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV, ACV có thể không quản lý được toàn bộ 21 sân bay để hoạt động bình thường và như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp nhà nước và tài sản nhà nước.
Trong thời gian qua khi thực hiện xã hội hoá cho tư nhân vào các cảng hàng không, cho một số cảng hàng không tổ chức xây dựng các nhà ga thì đã rút ra một số bài học và qua đánh giá cho thất rõ ràng ảnh hưởng đến ACV.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quan điểm của Chính phủ tiếp tục xã hội hoá nhưng xã hội hoá theo một hình thức khác. Ví dụ, hiện nay Chính phủ kêu gọi xây dựng sân bay quốc tế Lào Cai. Nếu các nhà đầu tư quan tâm thì chúng ta làm từ đầu để quản lý từ đầu, trong đó có những hạng mục sinh lợi và có những hạng mục không sinh lợi để đảm bảo hài hoà lợi ích.
Đối với sân bay Chu Lai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành lặp lại quy hoạch chi tiết sân bay Chu Lai. Đến thời điểm này, đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và Bộ đang thành lập Hội đồng thẩm định. Từ giờ đến cuối năm, Bộ sẽ tiến hành thẩm định sân bay Chu Lai theo quy hoạch chi tiết và dự kiến là trong đầu năm 2020 sẽ trình Chính phủ quy hoạch chi tiết sân bay Chu Lai.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, từ sự thành công của xã hội hoá sân bay Vân Đồn, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu ý kiến của đại biểu Phan Thái Bình là phải nghiên cứu làm sao để đẩy mạnh xã hội hoá các cảng hàng không.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không phải chỉ sân bay Chu Lai mà những cảng hàng không hiện nay khai thác thu không đủ chi thì phải tính thay đổi cơ chế và ngay cả sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia nhưng có thể phát huy kinh nghiệm từ sân bay Vân Đồn chia ra từng hạng mục, hạng mục nào nhà nước đầu tư, hạng mục nào xã hội hoá để cho doanh nghiệp đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, như với dự án sân bay Long Thành là chủ trương của Quốc hội, Quốc hội cho chủ trương bố trí nguồn vốn thực hiện như thế nào để hiệu quả nhất, nhanh nhất là do sự điều hành của Chính phủ. Bộ GTVT phải tham mưu cho Chính phủ.