Quý 2/2019, Đà Lạt sẽ đưa vào khánh thành khu Foodcourt lớn nhất “thành phố Sương Mù”, hội tụ đủ các món ăn đặc sản 3 miền phục vụ chuyên nghiệp dành cho khách du lịch. Hiện tại khu Foodcourt tại dự án đang được mở bán cho bà con tiểu thương Đà Lạt với giá khoảng 1 tỷ đồng/kiot.
Khu Foodcourt này có quy mô gần 2.000 m2, nằm tại tầng hầm của trung tâm thương mại Đà Lạt Travel Mall. Hiện tại dự án này đã xây đến tầng 3 và sẽ đi vào vận hành vào tháng 4/2019. Khi đưa vào vận hành, Đà Lạt Travel Mall sẽ trở thành một trong 2 tổ hợp trung tâm thương mại – mua sắm và ẩm thực lớn nhất Đà Lạt và dự kiến sẽ đón khoảng 2 triệu khách đến Đà Lạt mỗi năm.
Theo thống kê với quy mô gần 2.000 m2, khu Foodcourt của Đà Lạt Travel Mall có quy mô tương đương với các khu Foodcourt tại các trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam như: Aeon Mall Tân Phú, Pearl Plaza, Aeon Mall Bình Tân…
Khi hoàn thành, khu Foodcourt này sẽ hội tụ khoảng 100 gian hàng ẩm thực. Trong đó, một nửa diện tích là nơi tập trung các quán ẩm thực bản địa đặc trưng của Đà Lạt như: bánh tráng nướng, quán bánh căn, lẩu gà lá é, heo rừng, bún riêu Đà Lạt hay cơm Lam… Tại không gian ẩm thực bản sắc địa phương này, du khách sẽ được thưởng thức trọn vẹn phong vị ẩm thực của thành phố sương mù.
Ngoài khu ẩm thực Đà Lạt, khu Foodcourt còn quy tụ các món ngon đặc sản 3 miền như: phở, bún chả, bún ốc… của Hà Nội, thịt trâu gác bếp, cơm Lam, gà nướng mắc khén Tây Bắc, mỳ quảng, bún cá, cá nục cuốn bánh tráng, bún bò Huế, bánh lọc, chè heo quay, bánh hỏi lòng heo miền Trung. Ngay đến phong vị ẩm thực Nam Bộ như lẩu mắm, cá kèo, hủ tiếu Nam Vang, cơm Tấm, bún bò… cũng không thiếu món gì.
Ngoài không gian ẩm thực tại tầng hầm, Đà Lạt Travel Mall còn có các không gian mua sắm và tái hiện văn hóa bản địa truyền thống của Việt Nam với khu shopping mall với hơn 100 cửa hàng mặt hàng thủ công, mỹ nghệ bản địa của Đà Lạt tại tầng 1 và 2.
Dự án sở hữu khu khách sạn 3 sao ở tầng 3 và 4. Mỗi phòng khách sạn tại dự án có giá khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra Đà Lạt Travel Mall còn tái hiện không gian các làng nghề truyền thống của Việt Nam để các khách du lịch nước ngoài trải nghiệm văn hóa địa phương một cách trọn vẹn nhất.
Đại diện đơn vị phát triển dự án cho hay, hiện công ty đã kết nối với nhiều công ty du lịch Việt Nam và các công ty tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hồng Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, đưa dự án trở thành điểm đến di sản trong hành trình tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Nói về việc đầu tư mạnh, hơn 200 tỷ đồng cho khu Foodcourt và khu trung tâm thương mại, chủ đầu tư dự án cho biết muốn tạo ra một không gian để bà con tiểu thương Đà Lạt có thể giới thiệu ẩm thực – văn hoá – đặc sản Đà Lạt một cách chuyên biệt nhất đến các du khách.
Chủ đầu tư dự án cho rằng khi khách du lịch đến Đà Lạt có 3 thứ mà khách du lịch quan tâm nhất: Thứ nhất là không gian “rất Đà Lạt” – tinh tế – nhẹ nhàng – thơ mộng. Thứ 2, khách du lịch sẽ rất quan tâm đến ẩm thực và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, cảm giác về một Đà Lạt đúng nghĩa trước đây đã không còn được trọn vẹn trong mắt các du khách nữa trước các vấn đề cò mồi, chặt chém tràn lan tại thành phố, nhất là tại chợ Đà Lạt.
Thực sự hiện tại ai đến Đà Lạt cũng được gợi ý đi chợ Đà Lạt, chỉ vì nó là một trong vài chợ lớn duy nhất. Hai khu chợ, bên trong chuyên bán các mặt hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng, bên ngoài bán hàng lưu niệm, song hầu hết các blogger du lịch đều khuyên nên cân nhắc khi mua hàng và đặc biệt, phải nhớ mặc cả.
Rocco, một du khách từ Ireland nhận xét trên TripAdvisor: “Chúng tôi vào chợ vì tò mò và mong mua được một món đồ tốt tốt một chút. Nhưng không, quần áo ít lựa chọn, chất vải xấu, còn khu chợ thì quá mức bẩn, rác ở khắp mọi nơi”.
Ryan, bạn của Rocco cũng cho biết, anh từng rất mê sữa đậu nành khi được uống tại một quán nổi tiếng tại Sài Gòn. Tuy nhiên trong 1 lần uống sữa đậu nành tại chợ đêm Đà Lạt anh đã bị đau bụng. Ryan cũng cho biết ấn tượng khá tệ về chợ Đà Lạt của anh: “Rác từ các cửa hàng và khách du lịch xả thẳng xuống lòng đường, chỉ được dọn khi chợ đã vãn. Hàng chục thùng rác tập kết trước tượng đài Phụ nữ Đà Lạt. Quanh đó là các quán nước, quán ăn lề đường tấp nập du khách ra vào”.
Anh cũng cho biết khu chợ này vẫn có số ít cửa hàng tạo cảm giác thoải mái, minh bạch và yên tâm cho du khách khi mua sắm. Nhưng những cửa hàng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi được biết về dự án Trung tâm mua sắm mới dành riêng cho du khách này, chị Thu Lan – Một khách Hà Nội yêu Đà Lạt, kỳ vọng dự án sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch của Đà Lạt. “Tôi sẽ không còn than phiền về rác, về sự nghèo nàn trong dịch vụ, sản phẩm du lịch. Tôi cũng sẽ không phải lo vì mua phải hàng Trung Quốc giả hàng Đà Lạt trong chợ nữa”, chị Lan bày tỏ.
Bà Nguyễn Kim, khách hàng mua 3 căn trong khu Foodcourt của dự án để bán bánh Căn Đà Lạt cũng chia sẻ: “Với dự án này, tôi tin rằng bà con tiểu thương chúng tôi sẽ có một nơi để giới thiệu ẩm thực Đà Lạt một cách chuyên nghiệp tới du khách. Và sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Tôi cũng mừng vì đầu tư cửa hàng ở đây sẽ được chủ đầu tư hỗ trợ mạnh trong công tác quảng bá thu hút khách, hỗ trợ thiết kế các ấn phẩm bán hàng và trang trí cửa hàng chuyên nghiệp nhất”.