Tháng Ngâu thường được cho là tháng “nhàn rỗi” của các sàn giao dịch bất động sản vì lượng khách ít, giao dịch sụt giảm, một phần do quan niệm “tháng chết”, “tháng cô hồn” của nhiều người. Mặc dù hai năm trở lại đây, tâm lý “né” tháng Ngâu đã giảm nhiều so với trước, nhưng đâu đó trên thị trường vẫn có một bộ phận khách hàng, thậm chí cả chủ đầu tư vẫn “sợ” phải giao dịch, động thổ, hoặc ra sản phẩm mới trong thời điểm này.
Môi giới “kêu trời” vì ế
Mắc dù các hoạt động kinh doanh, mua bán bất động sản vẫn diễn ra bình thường, nhưng một số sàn giao dịch và nhiều môi giới cũng phải thừa nhận họ vẫn lo “sốt vó” mỗi dịp đến tháng 7 Âm lịch.
Anh Ngô Văn, môi giới bất động sản một dự án cao cấp tại Nghệ An, cho biết dù mới bước sang tháng Ngâu, nhưng tình hình thị trường đã trầm lắng hẳn so với tháng trước. “Mấy ngày nay dự án không có giao dịch, một phần do thị trường Hà Tĩnh còn lạ lẫm với các dự án cao cấp, một phần do tâm lý sợ “tháng cô hồn”của khách hàng. Nhiều khách vẫn đặt cọc mua, đóng tiền theo tiến độ nhưng “né” ký hợp đồng trong tháng 7”, anh Văn cho biết.
Trao đổi với CafeLand, ông Phạm Đức Toản, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản EZ Việt Nam, cho biết giao dịch bất động sản nhìn chung đã có sự chững lại từ giữa năm, thời điểm sát tháng Ngâu và hiện tại càng trầm hơn. Khách hàng có quan tâm nhưng chủ yếu đặt cọc, giữ chỗ, có mua cũng chưa ký hợp đồng bởi tâm lý tránh mua tài sản lớn vào tháng 7 Âm lịch.
Nhiều khách hàng và chủ đầu tư vẫn còn tâm lý “sợ” tháng Ngâu. Ảnh: Tâm An
Theo ông Toản, tháng 7 dương lịch vừa qua, lượng giao dịch chung cư cao cấp của công ty giảm khá sâu, hiện tại còn khoảng 60 – 65%. Phân khúc đất nền ổn định do nguồn cung không có nhiều trong khi lượng cầu tương đối. Riêng phân khúc nghỉ dưỡng sụt giảm từ 60 – 70%, nhất là condotel khách hàng hạn chế giao dịch.
“Năm ngoái, tháng Ngâu bán hàng khá tốt. Nhưng năm nay, mặc dù chưa có con số chi tiết, nhưng nhìn chung tình hình giao dịch tương đối trầm”, giám đốc sàn EZ cho biết.
Để kích cầu thị trường trong tháng 7, nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, tặng thưởng cho khách hàng. Đơn cử, tuỳ vào từng dự án hoặc sản phẩm trong dự án đó, sàn giao EZ tặng phiếu mua hàng, tặng vàng hoặc tổ chức các chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC, cho biết, trước thời điểm tháng Ngâu một tháng, VIDEC đã có chính sách chiết khấu cho khách hàng mua căn hộ, đến nay sản phẩm căn hộ thuộc một dự án của đơn vị này cũng đã bán hết.
“Mặc dù vậy, từ đầu tháng đến nay giao dịch bắt đầu chững lại, khách đến tham quan cũng ít. Năm ngoái cũng có tình trạng tương tự, nhiều khách hàng từ chối nhận nhà trong tháng 7, khách có nhu cầu tư vấn cũng hạn chế”, ông Dũng nói và cho biết thêm hiện công ty có một lượng biệt thự đang áp dụng chính sách tặng nội thất cho khách hàng.
Không chỉ đưa ra chương trình ưu đãi với khách hàng, nhiều đơn vị còn “treo” giải thưởng cho nhân viên sales trong tháng 7. Anh Ngô Văn cho biết, công ty của anh sẽ thưởng nóng 5 triệu đồng cho môi giới nếu bán được một căn hộ, áp dụng cho 10 căn đầu tiên.
Một số đơn vị khác lại đưa ra chính sách tặng chuyến du lịch, thưởng quý hoặc cộng thưởng vào cuối năm để khuyến khích môi giới bán hàng trong tháng 7 này.
Tháng cô hồn có thực sự đáng sợ?
Chị Nguyễn Thị Mai, một nhà đầu tư bất động sản Hà Nội, cho rằng nếu bỏ qua tâm lý kiêng kỵ trong tháng 7, chắc chắn nhà đầu tư sẽ chốt được căn hộ với giá thấp hơn thông thường và thoải mái hưởng các chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư lẫn đơn vị phân phối. “Bài học kinh nghiệm đến từ bản thân khi tôi vừa mua được căn hộ ưng ý với giá 21 triệu đồng/m2 cho tổng diện tích 90m2. Căn hộ này mới chỉ tháng trước vẫn có giá 25 triệu đồng/m2”.
Ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản đặc khu, cho rằng có hai hướng suy nghĩ về đầu tư trong tháng Ngâu. Một là suy nghĩ tích cực, ít người mua nên giá bất động sản sẽ giảm, nên đó là cơ hội tốt để đầu tư. Hai là suy nghĩ theo số đông, quan niệm tháng Ngâu là tháng không tốt, thị trường sẽ sụt giảm, không nên mua bán.
Một lượng lớn sản phẩm đủ điều kiện vẫn sẽ ra hàng trong tháng Ngâu. Ảnh: Tâm an
“Với tình hình thị trường bất động sản đang có sự chững lại như hiện nay cộng với tháng Ngâu thì sẽ rất khó khăn cho việc ra hàng. Nếu có sôi động chỉ đối với những sản phẩm đặc thù và với những nhà đầu tư lớn, uy tín”, ông Giới nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng hàng hoá bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc ra hàng khi đủ điều kiện là lẽ đương nhiên. Khi thị trường sôi động, nếu dự án đó thực sự thu hút thì khách hàng cũng phải chớp lấy thời cơ để mua, nếu không thì sẽ hết. Đây cũng chính là lý do mà thị trường những năm gần đây đã ít chịu ảnh hưởng bởi tâm lý “né” tháng Ngâu so với trước, các chủ đầu tư vẫn chào bán theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, cũng có một số chủ đầu tư tránh ra hàng vào thời điểm này, nhưng không hoàn toàn do ảnh hưởng bởi xu hướng tâm lý của khách hàng. “Thực tế này trùng với thời điểm thị trường chững lại trong năm, do là mùa nghỉ hè, tiếp đến là khai giảng nên các phụ huynh tập trung thời gian cho con cái đi du lịch, nghỉ ngơi, hạn chế việc mua bán”, ông Đính lý giải.
Ông Đính cho biết thêm, theo số liệu của các cơ quan quản lý, trong cuối quý 2, nguồn cung bất động sản mới được Sở Xây dựng cấp phép đủ điều kiện bán hàng là con số khá lớn. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nguồn cung mới lên đến chục nghìn sản phẩm.
“Do vậy, những dự án được Sở Xây dựng cấp phép đủ điều kiện bán hàng vẫn sẽ triển khai chào bán trong tháng Ngâu, theo đúng quy luật thị trường. Điều quan trọng là khách hàng khi lựa chọn mua sản phẩm cần thiết phải xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến dự án như tính pháp lý, đủ điều kiện bán chưa, dự án có đang vay mượn, thế chấp ngân hàng không; năng lực của chủ đầu tư, uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư đó như thế nào, xem xét các vấn đề về quy hoạch, kết nối hạ tầng… Nếu đáp ứng được các điều kiện đó, khách hàng có thể yên tâm mua bán dù là thời điểm nào trong năm”, ông Đính khẳng định.
Dưới góc nhìn phong thuỷ, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Viện phong thuỷ Hoàng Gia Việt Nam, cho rằng theo quan điểm Á Đông, tháng 7 là tháng có 3 sự kiện lớn: tháng Vu Lan, tháng cô hồn và tháng Ngâu. Đây là ba “tháng” hoàn toàn độc lập và khác biệt nhưng bị đánh đồng thành một tháng xui xẻo trong năm. Thực tế không phải vậy. Theo Phật Giáo, tháng bảy là dịp mọi người làm thiện hạnh, cúng dường tam bảo, bao hiếu cha mẹ, phổ độ gia tiên. “Cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng”. Có một dịp tốt để tri ân như vậy thì âm dương phấn khởi, may mắn ngập tràn, sao gọi là xui quẩy được? Theo lịch tiết khí, tháng bảy là lúc giao mùa, hạ tàn thu đến, không khí giao tranh, sinh ra mưa gió, đó là quy luật của trời đất. Tuy nhiên, con người lại vận dụng tích Ngưu Lang – Chức Nữ để giải thích hiện tượng mưa ngâu tháng bảy, coi đó là tháng uỷ mị, buồn sầu, vận xấu khí kém, từ đó, quan điểm tháng bảy là tháng đen đủi của năm, tránh đi lại, giao dịch, khởi công… Đó là quan điểm là chưa khoa học. Thực tế cho thấy, trong mấy năm trở lại đây, doanh số bán xe ô tô, bất động sản và thị trường chứng khoán đều thể hiện tích cực, nhất là khu vực miền Nam ít bị ảnh hưởng tháng Ngâu hơn so với miền Bắc. Theo huyền không phi tinh, mùa thu Mậu Tuất 2018 lại tốt đẹp về tài vận. Năm nay phía Tây Bắc có sao Nhất Bạch, Tây Nam có sao Lục Bạch, là hai cát tinh, đều hưng vượng vào tháng Bảy. Vì vậy, tại hai khu vực này của căn nhà, nếu dọn dẹp sạch sẽ có thể tài lộc trùng phùng. Những dự án bất động sản tại phía Tây Bắc và Tây Nam của mỗi thành phố cũng có thể bán tốt. Tuy nhiên, cũng vào tháng bảy, sao Cửu Tử vượng ở trung cung, đề phòng thị phi, hỏa hoạn, cần giữ gìn sạch sẽ và tránh động khu vực giữa nhà, giữa trung tâm. Sao Nhị Hắc ở chính Tây hoạt động, cần chú ý sức khỏe, nhất là những người có bàn làm việc hoặc giường ngủ ở phía tây của nhà. |