Tại Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số địa phương còn lúng túng trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Vẫn còn lúng túng
Trong một hội nghị mới đây về CPTPP – cơ hội và thách thức, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ Việt Nam từng rất giỏi trong việc biến cơ hội thành thách thức trong các FTA trước đây, và mong rằng chúng ta sẽ làm được điều ngược lại với CPTPP.
Vấn đề này lại được nhắc lại trong Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 mới đây do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì nhưng theo một cách khác.
Phó thủ tướng nói, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới.
Ngày 8/3/2018, Việt Nam và 10 nước đối tác đã ký kết Hiệp định CPTPP. Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Hiệp định này (với 96,7% đại biểu tán thành). “Sự kiện này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập”.
Với nhiều nỗ lực, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, như tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, vẫn còn những tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế; vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.
Phải đi cùng nhau
Trong vòng một năm trở lại đây, có thể thấy kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu. Đáng lưu ý là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với một số đối tác, đặc biệt với Trung Quốc.
Để có những bước đi vững chắc trong dài hạn, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đặt nhiệm vụ ổn định vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.
Đồng thời xác định chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới thông qua các động lực tăng trưởng mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…
“Muốn đi nhanh, đi xa và quan trọng là đi về đích thì phải đi cùng nhau. Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ phải đi cùng nhau mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác trong dòng chảy đa phương, cân bằng thương mại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.