Dòng vốn rẻ hơn đã chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, đa số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không được hưởng lợi vì nằm ngoài đối tượng này.
Từ đầu tháng 8, một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên đã được giảm lãi suất vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Như Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Dệt may, đầu tư và thương mại Thành Công (TCM) cho biết, công ty này đã được giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm với vay VND và 0,1% điểm phần trăm với vay USD. TCM hiện là khách hàng lớn của hai ngân hàng Vietcombank và BIDV. TCM sản xuất hàng may mặc và xuất khẩu là 1 trong 7 nhóm ngành được ưu tiên giảm lãi suất hiện nay
Thông tin từ Ban Tài chính Tập đoàn Hòa Phát cho biết, lãi suất vay ngắn hạn của Hòa Phát được hưởng là mức rất cạnh tranh trên thị trường, nên đợt này không thể giảm thêm.
Phản ánh từ các doanh nghiệp cho biết, các ngân hàng chủ yếu ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn nên ít được hưởng lợi từ đợt giảm lãi suất này, trừ doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xuất khẩu như TCM. Giống như TCM, các doanh nghiệp dệt may khác như Sợi Thế Kỷ, GMC, TNG chắc chắn sẽ được giảm lãi suất.
Hiện các chi nhánh Ngân hàng Vietcombank đều đã nhận được thông báo triển khai chính sách giảm lãi suất theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Theo Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, Ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ðây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc 7 lĩnh vực. Việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn và chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng dư nợ cho vay VND hiện hữu của Ngân hàng. Ước tính, sẽ có khoảng 400 tỷ đồng chi phí vay vốn của các doanh nghiệp được tiết giảm từ chính sách trên.
Ðối lập với sự dễ chịu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành được hỗ trợ giảm lãi suất thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạn chế cho vay – bất động sản – tiếp tục cảm nhận sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Giám đốc tài chính một công ty bất động sản chia sẻ, doanh nghiệp phải vay chéo hay xử lý kỹ thuật mới có vốn đẩy vào dự án. Theo vị này, hầu hết ngân hàng cổ phần nhỏ hiện đã cho vay hết hạn mức vốn vay trung hạn, các ngân hàng lớn nhóm “Big 4” may ra còn hạn mức, nhưng để vay được rất khó. Công ty này đang tính đến việc huy động trái phiếu khi thủ tục pháp lý triển khai dự án được hoàn tất.
Mới đây, CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) chỉ trong 1 ngày đã huy động 100 tỷ đồng trái phiếu dành riêng cho 99 nhà đầu tư đăng ký qua Công ty Chứng khoán SSI. Taseco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ở các sân bay, chuỗi khách sạn và cung cấp suất ăn hàng không.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phát triển mảng đầu tư kinh doanh bất động sản. Hiện Công ty chỉ sử dụng gần 9,4% nợ vay, một cơ cấu nguồn vốn khá an toàn. Doanh nghiệp chỉ huy động 100 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất hấp dẫn lên tới 10,5%/năm với kỳ hạn 1 năm trả lãi 6 tháng/lần.
Theo giới phân tích, Taseco vay vốn chủ yếu phục vụ cho mảng bất động sản, bởi mảng dịch vụ hàng không tạo dòng tiền ổn định và có thể vay được ngân hàng.
Việc một công ty có dòng tiền tốt như Taseco và có tài sản đảm bảo là cổ phiếu AST của công ty con là CTCP Dịch vụ hàng không Taseco, thị giá 68.000 đồng/cổ phiếu, cũng phải tính đến phát hành trái phiếu khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản cho thấy, các ngân hàng rất chặt chẽ với các khoản cho vay liên quan đến bất động sản.
Hình thức liên kết liên doanh với các quỹ đầu tư nước ngoài để cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án hợp lý là phương án đang được các chủ đầu tư dự án bất động sản quan tâm nhiều hơn.
Trong khi Công ty Khang Ðiền phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm cho chính cổ đông lớn là các quỹ thuộc Dragon Capital thì CTCP Ðầu tư Long Ðiền (LDG) mới đây đã công bố hợp tác với Quỹ đầu tư RedBrick và đơn vị quản lý vốn Evercore để phát triển nhiều dự án có quy mô lớn trong thời gian tới. Dự án đầu tiên mà hai bên hợp tác sẽ được khởi động thực hiện trong tháng 8 này.
Theo nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán, dự án đầu tiên mà LDG và RedBrick cùng triển khai là dự án tại Cam Ranh. Theo Báo cáo thường niên của LDG, dự án Khu đô thị dịch vụ sinh thái Cam Ranh, Khánh Hoà được xây dựng trên khu đất có diện tích 1.719.000 m2 với tổng vốn đầu tư 2.745 tỷ đồng.
Việc hợp tác với quỹ đầu tư ngoại cùng triển khai dự án chia sẻ rủi ro cũng như lợi nhuận dự án cũng là một hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh siết tín dụng vào bất động sản. Thực tế cho thấy, việc tìm bạn đồng hành ở cấp độ dự án với các chủ đầu tư là lựa chọn bền vững đem lại nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư và người mua nếu hai bên hợp tác tốt.