Dù được quy hoạch xây dựng từ nhiều năm, song tiến độ thực hiện của dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đến nay vẫn ì ạch. Hàng ngàn hộ dân nằm trong diện di dời giải tỏa của dự án đứng ngồi không yên vì chẳng thể ổn định cuộc sống.
Nhà của người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành xuống cấp, hư hỏng
Nhà hư không dám sửa, cây hỏng không dám trồng
Xã Suối Trầu là một trong 6 xã thuộc huyện Long Thành phải di dời giải tỏa để nhường đất cho dự án sân bay quốc tế Long Thành. Địa phương này có tổng diện tích 1.485 ha và sẽ phải di dời giải tỏa khoảng 1.373ha để phục vụ dự án.
Thế nhưng, tiến độ giải phóng mặt bằng ì ạch suốt nhiều năm qua đã kéo theo nhiều khốn khó cho người dân.
Chỉ tay vào những vết nứt chạy trên tường nhà, bà Nguyễn Thị Ngọc (ấp 2, xã Suối Trầu) cho biết, nhà cửa đã xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nay nhưng người dân không dám sửa chữa, xây mới.
“Vì nằm trong diện giải tỏa nên chúng tôi xác định phải di dời. Nhưng không biết khi nào đi. Họ không cấm xây dựng nhưng bỏ tiền ra xây chưa được bao lâu mà phải di dời, không được đền bù thì quá phí nên người dân cứ sống vậy”, bà Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc, bà có một vườn điều nhưng mấy năm nay đã hư bệnh, hai bên người khác trồng keo tràm lên cao che khuất ánh ánh sáng khiến cho vườn điều rất ít quả. Nhiều lần bà định chặt đi trồng cây mới nhưng lại sợ giải tỏa nên thôi.
Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Võ Xảo (tổ 1, ấp 1, xã Suối Trầu) say sưa khi được hỏi về dự án sân bay: “Dự án sân bay Long Thành này đã được nói đến từ lâu, nhưng đến nay người dân vẫn không biết thực hư tiến độ dự án đang đến đâu”, ông nói.
Ông Xảo cho hay, người dân ở đây bao đời sinh sống bằng nghề nông ngiệp nhưng vì dự án này mà họ gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu trồng cây ngắn ngày, giá trị kinh tế thấp. Muốn trồng cây lâu năm, giá trị kinh tế cao cũng không được vì không biết khi nào mình phải đi.
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Ánh (ấp Sáu Hoàng, xã Long An) đã ọp ẹp, nằm khuất dưới những gốc tre um tùm. Đã gần 20 năm kể từ lần đầu tiên ông nghe tới cái tên dự án sân bay đến nay vùng đất này cũng không có nhiều biến đổi. Những vựa cao su bạt ngàn xen kẽ rẫy café, cây ăn trái của người dân.
Ông Ánh cho biết, vì dự án quy hoạch nên đường sá không được đầu tư xây dựng, đường đất trơn trượt mưa xuống là ngập lêng láng, con cái đi học, đi làm rất khó khăn.
Làm hay không làm?
Bà Ngọc cho biết, xây dựng sân bay là chủ trương lớn của Nhà nước nên người dân hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, làm hay không làm và khi nào làm thì chính quyền cần phải báo cho dân biết cụ thể để họ có phương án ổn định cuộc sống.
“Gần đây thấy người ta xuống đo đạc, thống kê tài sản nhà cửa, cây cối trong vườn… nhưng hỏi khi nào di dời thì họ cũng không biết. Nhiều lần họp cử tri cũng nói nhưng không ai biết chính xác dự án khi nào làm”, bà Ngọc than thở.
Người dân muốn biết chính xác thời điểm di dời để ổn định cuộc sống
Do nằm trong vùng quy hoạch nên người dân phải chịu nhiều thiệt thòi khi dự án bị treo suốt nhiều năm qua. Có đất nhưng muốn trồng cây, mua bán, phát triển kinh tế cũng khó khăn. Con cái ra riêng muốn tách đất, tách sổ cũng không được. Do đó, người dân mong muốn nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ, hoặc không thì xóa bỏ dự án để người dân ổn định cuộc sống.
“Đến nay chưa ai nói gì đến mức đền bù, giải tỏa. Nghe bảo khu tái định cư ngoài Lộc An nhưng tôi cũng chưa biết nơi đó cụ thể là ở đâu. Ở đây, người dân trồng cây, chăn nuôi để sống nếu ra ngoài tái định cư không biết có thể kiếm được công ăn việc làm gì không”, ông Ánh lo lắng.
Cũng theo ông Ánh, thời gian trước đây, do những thông tin về dự án sân bay chưa rõ ràng nên nhiều cò đất đổ về khu vực này để tung tin, đẩy giá đất sốt ảo gây hoang mang. Gần đây, chính quyền siết chặt quy định phân lô tách thửa nên tình trạng sốt ảo không còn, cò đất cũng lắng xuống. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng giao dịch ngầm, giấy tay với nhau.
Được biết, dự án sân bay quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16 tỉ USD), được thiết kế đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).
Vùng lõi dự án sân bay Long Thành chờ ngày giải tỏa
Để thực hiện dự án này, sẽ phải di dời khoảng 5.500 ha đất nằm trên địa bàn của 6 xã của huyện Long Thành gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước.
Trong hơn 5.500 ha diện tích đất thu hồi gồm 2.378 ha đất vườn cây cao su, gần 3.000 ha đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng, hơn 109 ha đất do cơ quan, tổ chức và đất giao thông, sông suối khoảng hơn 106 ha.
Dự án sẽ ảnh hưởng đến 4.864 hộ gia đình với khoảng 16.000 nhân khẩu. Số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đã được Quốc Hội thông qua là hơn 23.000 tỉ đồng.
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) trình Quốc hội mới đây nêu rõ, nhiều năm qua, người dân sống trong vùng dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong số hơn 23.000 tỉ đồng có 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hơn 4.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, gần 480 tỉ đồng tái lập hạ tầng ngoài ranh giới sân bay và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay quốc tế Long Thành. Phó thủ tướng giao Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (giai đoạn 1) để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.