Chung cư Lan Phương bị khách hàng phản ánh bán nhà khi đang thế chấp ngân hàng
Không đóng phạt sẽ thu hồi căn hộ?
Trao đổi với CafeLand, chị N.T.H Yến, cư dân tại chung cư Lan Phương Tower cho biết, rất nhiều cư dân đang bức xúc với cách hành xử của chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH sản xuất – thương mại Lan Phương (Công ty Lan Phương).
Chị Yến cho biết, tháng 4/2015 chị mua căn hộ tại dự án Lan Phương với giá 1,35 tỉ đồng và đã đóng tiền được 50%. Chủ đầu tư cam kết sau 4 tháng cư dân sẽ được cấp sổ hồng.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, chị Yến nhận được thông báo từ Ngân hàng BIDV về việc toàn bộ quyền sử dụng đất và các căn hộ ở chung cư Lan Phương Towe đã được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng.
Trong một hội nghị có cả chủ đầu tư, ngân hàng và cư dân sau đó, phía ngân hàng xác nhận lại thông tin trên khiến cho cư dân vô cùng hoang mang. Khi ký hợp đồng mua bán phía chủ đầu tư đã không thông báo bất cứ nội dung gì về việc dự án đang thế chấp cho người mua được biết.
Quá bức xúc, nhiều cư dân đã không tiếp tục đóng tiền mà buộc chủ đầu tư phải giải chấp.
“Từ đó về sau chủ đầu tư không hề có thông báo thu tiền hay thông báo phạt lãi chậm cho khách hàng. Đến đầu năm 2018, khi chủ đầu tư ra sổ cho được một số căn thì quay lại bắt cư dân đóng tiền cùng với khoản phạt chậm thanh toán có lãi suất cao ngất ngưởng”, chị Yến nói.
Đối với trường hợp của chị Yến, phía chủ đầu tư gửi thông báo khoản lãi phạt chậm là 208 triệu đồng, tuy nhiên sau đó lại có thông báo giảm xuống còn 55 triệu đồng.
Ông P, một cư dân khác cho biết, ngoài khoản tiền 760 triệu đồng chậm thanh toán ông còn phải đóng thêm 402 triệu đồng tiền lãi. Một trường hợp khác cũng có khoản phạt bị tính lãi 349 triệu đồng
Không đồng ý với phương thức tính lãi trên, các cư dân đã có phản hồi lên chủ đầu tư, họ đồng ý đóng toàn bộ tiền gốc còn nợ, còn tiền lãi trên thì không đóng.
Đáp lại phía công ty Lan Phương cho biết, nếu khách hàng không đóng lãi trên thì chủ đầu tư sẽ ngưng các dịch vụ như không thu phí giữ xe, phí sinh hoạt, cắt điện nước. Thậm chí là chủ đầu tư có thể thu hồi lại căn hộ vì đây vẫn đang là tài sản của chủ đầu tư.
Ông Phan Hải Lâm, Phó giám đốc Công ty Lan Phương, cho biết nhiều hộ dân mua căn hộ đến nay đã 3 – 5 năm, nợ tiền mua từ 50-70%, trong khi đó lại không đóng tiền gốc lẫn lãi.
Cũng theo ông Lâm, chung cư Lan Phương Tower có quy mô hơn 200 căn hộ nhưng chỉ có khoảng chục khách hàng còn nợ số tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng, cố tình chây ỳ. Do đó, những thông tin mà những người này cung cấp là sai lệch, gây ảnh hưởng đến công ty.
Hàng loạt dự án đang thế chấp ngân hàng
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc các chủ đầu tư thế chấp dự án bất động sản tại các ngân hàng là điều bình thường, được các quy định pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư muốn bán lại các tài sản này cho người mua thì buộc phải giải chấp tài sản hoặc được sự đồng ý của ngân hàng.
Trên thực tế rất nhiều chủ đầu tư đã cố tình “ém” thông tin về dự án đang thế chấp để bán cho khách hàng. Cụ thể, là câu chuyện từng xảy ra tại các chung cư như Ruby Land (quận Tân Phú), The Hamonar (Tân Bình) hay cay đắng nhất là số phận của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức).
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, để giảm thiểu những rủi ro cho người mua nhà, đặc biệt là người mua nhà tại các dự án bất động sản hình thành trong tương lai thì cần phải minh bạch mọi thông tin về chủ đầu tư, dự án và dòng tiền. Khách hàng phải biết tiền của mình đóng vào được chủ đầu tư sử dụng như thế nào. Tránh trường hợp chủ đầu tư đem tiền đó đi đầu tư hay sử dụng cho mục đích khác thay vì xây dựng dự án.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã công khai danh sách một loạt dự án đang thế chấp tại ngân hàng để người mua nhà được nắm.
Mới đây nhât, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết hiện nhiều dự án bất động sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đáng chú ý là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đang được thế chấp tại công ty này.
Tại TP.HCM, những dự án được nêu tên gồm: dự án khu dân cư 584 Tân Kiên (Bình Chánh) hiện đang thế chấp trên 600 căn hộ; chung cư Vạn Hưng Phát (quận 8) thế chấp 14 căn hộ; chung cư Thái Bình Plaza (quận 2) thế chấp 141 căn hộ (nay đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành Bệnh viện đa khoa Quốc tế Phúc An Khang); dự án 584 Lilama SHB Plaza (quận Gò Vấp) thế chấp 724 căn hộ; dự án Cao ốc Xanh (quận 9) thế chấp 730 căn hộ.
VAMC cũng đang nhận thế chấp nhiều quyền sử dụng đất và công trình hình thành tương lai trên đất tại dự án chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ diện tích 2.217 m2 tại 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3 (dự án New Pearl); gần 20.000 m2 để xây dựng dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long; quyền sử dụng đất và tài sản đã đầu tư trên đất 71.497m2 đất xây dựng dự án khu trung tâm thương mại và dân cư Hưng Điền tại phường 16, quận 8.
Hay khu dân cư 13E Phong Phú (huyện Bình Chánh) tại thửa đất số 141-149, 151-157, 161-173 và 790, tờ bản đồ số 30 với tổng diện tích 16.972 m2; dự án PetroVietnam Landmark tại phường An Phú, quận 2.
Một số tài sản hình thành trong tương lai tại TP.HCM cũng có mặt trong danh sách dự án thế chấp tại VAMC, gồm dự án SouthGate Tower (quận 7); dự án căn hộ và văn phòng cao tầng (Saigon Apartment); quyền sử dụng 7.016 m2 đất dự án tại 201-203 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình thuộc quyền sử dụng của Tập đoàn S.S.G.