Cuối 2018, các dự án bất động sản tại Mê Linh sẽ “bừng tỉnh”?

Sau cả thập kỷ chìm sâu trong giấc ngủ dài, đến nay, đất nền một số khu vực huyện Mê Linh đang ghi nhận sự tăng giá trở lại. Giới đầu tư tin rằng, khi hạ tầng kết nối được hoàn thiện, từ nay đến cuối 2018 và sang năm 2019, các dự án bất động sản tại đây sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

“Ngủ vùi” sau cơn sốt cấp tính

Năm 2008, khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, giới đầu tư đã đổ xô về đây mua đất để đầu tư dự án khiến giá đất bị đẩy lên nhanh chóng. Thời điểm đó, Mê Linh được coi là điểm nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội. Giá đất có lúc đạt ngưỡng 18 – 22 triệu đồng/m2, tăng 80 – 90% so với mức 2 – 3 triệu đồng/m2 trước đó.

Giai đoạn sốt nóng, tại Mê Linh xuất hiện gần 50 dự án là nhà ở, khu nhà vườn, KCN, chung cư, dịch vụ giải trí, du lịch… Tiêu biểu là các dự án như KĐT Cienco5 (68ha); khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong; KĐT mới CEO (21ha); KĐT mới Tiền Phong, KĐT AIC (hơn 90 ha), KĐT mới Minh Giang – Đầm Và…

Tại các dự án này, giá đất từng đạt tới 25-30 triêu đồng/m2 so với giá khởi điểm là khoảng 3 triệu đồng/m2. Có thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần, mức tăng có thể đạt 50% ở giai đoạn sốt nóng, cá biệt tại Tiền Phong, đất bị đẩy giá lên 4-5 triệu đồng/m2 chỉ trong 2-3 ngày.

Cuối 2018, các dự án bất động sản tại Mê Linh sẽ “bừng tỉnh”?

Nhiều dự án “án binh bất động” suốt gần thập kỷ.

Tuy nhiên, giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, Mê Linh bị ảnh hưởng mạnh. Các giao dịch bị đóng băng, các dự án rơi vào tình trạng hoang hóa, một lượng vốn khổng lồ của giới đầu tư bị chôn vùi. Gần chục năm trời, Mê Linh không có những công trình hay khu đô thị nào mọc lên như những tên gọi mà các nhà đầu tư đặt cho trước đó.

Theo ghi nhận của CafeLand, dọc hai bên đường nối xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tiền Phong,… hàng chục mảnh đất đến giờ vẫn nằm im, cỏ mọc um tùm không khỏi xót xa.

Điển hình nhất là xã Tiền Phong, nơi được cho là tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị như Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt (24,3ha), Khu đô thị Minh Giang – Đầm Và (2 giai đoạn với gần 22ha), Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn (trên 60ha)… đến nay đều trong tình trạng “án binh bất động”.

Thời điểm thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, giá bán các dự án sụt giảm mạnh so với thời kỳ sốt đất, giảm xuống còn 10 triệu đồng/m2 nhưng không ai mua.

Phản ánh với CafeLand, một số người dân địa phương bày tỏ sự tiếc nuối bởi cả chục năm trời họ bị thu hồi đất khiến đất canh tác bị thu hẹp thì những khu đất dự án vẫn vắng lặng, không dấu hiệu triển khai.

Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383, trong đó Mê Linh chiếm 50 dự án.

Cuối 2018, các dự án bất động sản tại Mê Linh sẽ “bừng tỉnh”?

Dự án khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thanh vẫn im lìm sau nhiều năm.

Tại phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Trong 46 dự án chậm triển khai của huyện Mê Linh (được cấp phép vào tháng 7/2008), có 8 trường hợp Thành phố đã 10 lần mời lên đối thoại, nhưng chủ đầu tư không lên, buộc phải thu hồi. 38 dự án còn lại đang vướng mắc về chính sách giải phóng mặt bằng, giá đất… Thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành để có câu trả lời thỏa đáng cho các chủ đầu tư”.

Đất nền hấp dẫn trở lại?

Tháng 10/2016, UBND TP. Hà Nội chính thức khởi công Dự án đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng – Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long từ 56m lên 93m bề ngang, với tổng mức tổng đầu tư dự án hơn 3.000 tỉ đồng. Cùng với đó là việc hoàn thiện dự án cầu Nhật Tân với tổng chiều dài 8.930m khiến giới đầu tư tin rằng, những kết nối hạ tầng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến bất động sản Mê Linh, đánh thức khu vực này thức dậy sau gần chục năm “đắp chiếu”.

Trao đổi với CafeLand, một chủ đầu tư tại Mê Linh cho rằng, thị trường bất động sản Mê Linh gần chục năm trở về trước nói đúng hơn thì không hẳn là sốt, mà là có sôi động hơn. Nếu nói “sốt” nhất thì phải kể đến trục Vân Canh, Hoài Đức, An Khánh, Lê Trọng Tấn. Thời điểm đó, một số khu đất tại Lê Trọng Tấn có giá lên đến 120 – 130 triệu đồng/m2, Vân Canh khoảng 80 – 90 triệu đồng/m2 trong khi Mê Linh cao nhất chỉ 18 – 20 triệu đồng/m2.

Việc các dự án rơi vào tình trạng bị “đóng băng” cả chục năm, vị này cho rằng thời điểm điều chỉnh địa giới, mật độ xây dựng các khu vực so với Hà Nội có sự khác nhau, nên khi sáp nhập vào Hà Nội có sự điều chỉnh, đồng thời vướng phải những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cộng với giai đoạn thị trường khủng hoảng khiến cho các dự án lâm vào cảnh “bất động”.

Cũng theo vị này, hiện nay nhiều dự án tại Mê Linh đã bắt đầu triển khai, khoảng nửa năm nữa có thể đủ điều kiện mở bán.

“Tôi cho rằng, cuối năm nay và sang năm sau, các dự án tại mê Linh sẽ triển khai mạnh mẽ hơn, bởi khi hạ tầng được đẩy lên, không lý gì một khu vực gần Hà Nội với giá đất chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 lại không sôi động”, chủ đầu tư này nhận định.

Ở một diễn biến khác, nguồn tin của CafeLand cho biết, hiện đã có doanh nghiệp lớn mua lại khu đất hơn 40ha tại vị trí Làng Hoa để triển khai dự án trong thời gian tới.

Cuối 2018, các dự án bất động sản tại Mê Linh sẽ “bừng tỉnh”?

Giá đất nền một số khu vực tại Mê Linh đang rục rịch tăng. 

Theo khảo sát của CafeLand, đất tại một số khu vực huyện Mê Linh hiện cũng đang rục rịch tăng giá. Cụ thể, đất tại xã Chu Phan có giá khoảng 20 triệu đồng/m2, tăng 5 – 7 triệu đồng/m2 so với trước. Nguyên nhân bởi xã này vừa hoàn thành xong tuyến đường liên huyện, nối xã Tiến Thịnh. Tuy nhiên, đất ở Tiến Thịnh do đã tăng từ trước bởi hạ tầng hoàn chỉnh nên hiện không tăng thêm, đất mặt tiền tại đây có giá khoảng 20-25 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, đất tại khu đất đấu giá trung tâm hành chính huyện khoảng 13 – 15 triệu đồng/m2; đất tại khu vực xã Kim Hoa, gần thị trấn Chi Đông, Quang Minh vừa đấu giá khoảng 11 triệu đồng/m2.

Đất ở trong làng của một số xã, thị trấn như Tiền Phong, Chi Đông, Quang Minh có giá khoảng 6 – 7 triệu đồng/m2. Các xã nông nghiệp như Chu Phan, đất trong làng khoảng 3 triệu đồng/m2; đất ven theo các trục đường quốc lộ khoảng 15 triệu đồng/m2; đất một số khu công nghiệp có giá 3 – 4 triệu đồng/m2.

Chị Trần Ngọc Tú, một nhà đầu tư đang có nhu cầu mua đất tại Mê Linh chia sẻ, 6 tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tính chuyện đầu tư vào các khu vực bất động sản giá thấp. Theo chị, giá đất ở những khu vực này đã giảm khá mạnh, ít có khả năng giảm sâu, so sánh với giá đất cao ngất ngưởng khu vực trung tâm cũng như các lĩnh vực đầu tư khác như gửi tiết kiệm, mua vàng thì đầu tư vào đất nền ven Hà Nội được cho là phương án hợp lý trong thời điểm này.

Tuy nhiên, chị Tuyết cho rằng, việc đầu tư phải có sự cân nhắc và tìm hiểu kỹ, tránh các dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, hạ tầng, những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý vẫn “bán lúa non”…

“Bởi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính thì việc họ triển khai được dự án hay không, triển khai đến đâu vẫn là một dấu hỏi lớn”, chị Tú cho biết.

Tâm An

Tin liên quan

Ôm nhà đất dự án ‘cắm’ ngân hàng, nhiều chủ đầu tư ‘dị ứng’ lộ diện

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành việc chủ đầu tư thế chấp dự án vay vốn là hoạt động tín dụng bình thường nhưng có ...
Ôm nhà đất dự án ‘cắm’ ngân hàng, nhiều chủ đầu tư ‘dị ứng’ lộ diện Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành việc chủ đầu tư thế chấp dự án vay vốn là hoạt động tín dụng bình thường nhưng có ...

Kiến nghị điều tra, xử lý hành vi chiếm đất công của nguyên lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa

Thanh tra TP.HCM vừa chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý hành vi chiếm dụng đất của các lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú ...
Kiến nghị điều tra, xử lý hành vi chiếm đất công của nguyên lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa Thanh tra TP.HCM vừa chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý hành vi chiếm dụng đất của các lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú ...

TP Hồ Chí Minh: Giao UBND quận huyện là nơi quản lý nhà đất phục vụ tái định cư

UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận chủ trương giao UBND các quận huyện quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh ...
TP Hồ Chí Minh: Giao UBND quận huyện là nơi quản lý nhà đất phục vụ tái định cư UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận chủ trương giao UBND các quận huyện quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh ...

Nhà ở bằng đất sét được in 3D thân thiện với môi trường

Nhà ở bằng đất sét có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, cửa ra vào và cả giếng trời. Các đồ nội thất cũng được bố trí theo sở thích và ...
Nhà ở bằng đất sét được in 3D thân thiện với môi trường Nhà ở bằng đất sét có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, cửa ra vào và cả giếng trời. Các đồ nội thất cũng được bố trí theo sở thích và ...

Chợ nhà đất mới nhất