Ông Nguyễn Văn Thắng đã chính thức rời vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank kể từ ngày 13/7. Cho tới thời điểm hiện tại, ngân hàng này vẫn chưa có công bố người kế nhiệm ông Thắng ngồi vị trí nóng.
Ứng cử viên sáng giá
Vietinbank là ngân hàng đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất. Tại ĐHĐCĐ ngân hàng Vietinbank năm 2014, ông Phạm Huy Hùng đã chính thức rút khỏi HĐQT và thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lúc đó, ứng viên cho vị trí Chủ tịch ngân hàng giai đoạn 2014-2019 gồm có 7 người, trong đó có 6 thành viên đương nhiệm và một người mới xuất hiện là ông Lê Đức Thọ.
Ông Thọ thời điểm đó đã từng là Phó tổng giám đốc của Vietinbank, sau đó được điều động và bổ nhiệm chức Chánh văn phòng NHNN hồi tháng 8/2013.
“Đánh bại” 6 ứng viên còn lại, ông Nguyễn Văn Thắng chính thức thay thế vị trí ông Phạm Huy Hùng, trở thành người đại diện 40% vốn Nhà nước tại Vietinbank, đồng thời giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2014-2019.
Bên cạnh đó, ông Lê Đức Thọ và ông Cát Quang Dương cũng được NHNN cử làm đại diện 30% vốn nhà nước tại ngân hàng này.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong số hai người đại diện vốn nhà nước tại Vietinbank có nhiều tiềm năng trở thành người kế nhiệm chiếc ghế nóng ông Thắng để lại nhất là ông Lê Đức Thọ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietinbank.
Ông Thọ là tiến sỹ kinh tế, công tác tại VietinBank từ năm 1990. Ông từng kinh qua nhiều chức vụ tại ngân hàng như Phó tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng NHNN vào tháng 8/2013 và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietinbank nhiệm kỳ 2014 – 2018 với 100% số phiếu bầu.
Tổng số cổ phần ông Thọ đang nắm giữ tại Vietinbank là 720.061.487 cổ phiếu, tương đương 19,34% cổ phần tại Vietinbank. Toàn bộ cổ phiếu ông Lê Đức Thọ đang nắm giữ đều là cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng.
Điều gì chờ đợi ứng viên mới tại Vietinbank?
Một trong những điểm yếu dễ nhận thấy nhất của Vietinbank trong giai đoạn ông Thắng làm Chủ tịch HĐQT là khó khăn trong vấn đề tăng vốn. Trong khi, tăng vốn là yêu cầu cấp thiết của các ngân hàng để đáp ứng chuẩn Basel II chính thức được áp dụng vào năm 2020 với cả hệ thống ngân hàng.
Ông Thắng từng cho biết, việc tăng vốn tự có là vấn đề vô cùng cấp bách của Vietinbank trong năm 2018, nhưng việc tăng vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn và mong muốn của ngân hàng là được NHNN phê duyệt phương án tăng vốn cấp 1.
Tính đến cuối 2017, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank là 64,46%, room ngoại cũng gần kín giới hạn cho phép. VietinBank cũng đã kéo dài 5 năm không tăng vốn, ông Thắng cho biết cách tăng vốn duy nhất hiện nay là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Để duy trì hệ số CAR tối thiểu, Vietinbank đã lựa chọn phương án tăng vốn cấp 2 bằng việc phát hành trái phiếu làm 2 đợt vào năm 2016 và 2017. Tổng nợ bằng trái phiếu của VietinBank đến nay là 30.915 nghìn tỉ đồng.
Để tăng cường năng lực ngân hàng với nguồn lực hạn chế như hiện nay, phương án sáp nhập vẫn được NHNN ưu tiên và lưu ý các ngân hàng trong quá trình phát triển, tìm kiếm cơ hội.
Vietinbank từng có nhiều bước xúc tiến, làm việc với PGBank, với mong muốn hai ngân hàng có thể về cùng một nhà. Tuy nhiên, sau 3 năm tìm hiểu thì đến tháng 4 vừa qua, cả hai phía đã đưa ra thông cáo chính thức về việc chấm dứt thương vụ này.
Phía VietinBank cho rằng nguyên nhân thất bại của thương vụ này là do hai bên không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản trong giao dịch và chủ yếu là về “giá cả”.
Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ tìm kiếm nhà băng khác để sáp nhập, sau vụ mua bán PG Bank bất thành. “Việc xem xét mua hay sáp nhập với ngân hàng khác có thể xảy ra nếu chúng tôi thấy cơ hội này tốt, giúp ngân hàng phát triển mạnh mẽ”.
Như vậy, con đường phía trước của Vietinbank không phải chỉ toàn hoa hồng mà còn rất nhiều chông gai. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho vị tân Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ tới.