Site icon Homeone

Gian nan cải tạo, xây mới chung cư cũ

Gian nan cải tạo, xây mới chung cư cũGian nan cải tạo, xây mới chung cư cũ

Chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân. Chính quyền nỗ lực kêu gọi đầu tư, nhưng có vẻ doanh nghiệp không “mặn mà” bởi quá nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư cải tạo chung cư cũ.

Cải tạo, xây mới chung cư tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn

Sống trong sợ hãi

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến mới đây đã chỉ đạo một số sở, ngành, quận, huyện thực hiện di dời, xây dựng mới 15 chung cư cũ. Trong số đó có 7 chung cư cấp độ hư hỏng nặng và 8 chung cư cấp độ nguy hiểm, nằm rải rác tại nhiều quận huyện trên địa bàn.

Cụ thể, chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 155-157 Bùi Viện, chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1); chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3); chung cư Trúc Giang, chung cư Vĩnh Hội, chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4); chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5); chung cư 43 Bình Tây, chung cư 119B Tân Hoà Đông (quận 6); chung cư 47 Long Hưng, chung cư 137 Lý Thường Kiệt, chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt, chung cư 40/1 Tân Phước, chung cư 170-171 Tân Châu (quận Tân Bình).

UBND TP.HCM cho biết sẽ giao UBND các quận có chung cư hư hỏng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lập phương án sử dụng đất sau di dời theo hướng xã hội hóa.

Sau khi khảo sát đánh giá, UBND cấp quận khẩn trương lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch nhà nước, đồng thời đảm bảo phương án tái định cư để các hộ dân lựa chọn. Người dân cũng có thể nhận tiền đền bù để tự tìm nơi định cư mới.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có gần 500 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong đó, có nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng đe dọa tới mạng sống và tài sản của hàng nghìn hộ dân.

Chung cư Thanh Đa  (quận Bình Thạnh) là một trong những chung cư có “tuổi đời” nhiều nhất tại TP.HCM. Hiện một số lô xuống cấp nghiêm trọng, người dân đã được di dời. Những lô còn lại còn người dân sinh sống nhưng luôn trong tình trạng thấp thỏm.

Bà Hoa, một cư dân tại đây cho biết, vì chung cư cũ nên cái gì cũng cũng khó khăn. Căn hộ xuống cấp, vệ sinh, rác thải, quản lý không đảm bảo. Đặc biệt, là nguy cơ cháy nổ thường trực.

Trên các trần tường dọc hành lang chung cư chằng chịt hệ thống dây điện, ống dẫn nước. Các hộp chứa thiết bị phòng cháy chữa cháy bụi bám dày, dây nước cuộn tròn lâu không được kiểm tra, bảo trì.

Câu chuyện của cư dân Thanh Đa cũng là tình trạng chung tại các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp không mặn mà?

Cải tạo, xây mới chung cư cũ là 1 trong 7 chương trình đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã đề ra. Những năm qua, một số chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng đã được giải tỏa, xây mới nhưng con số này vẫn không thấm thía vào đâu so với số hàng trăm chung cư cũ còn lại. Nguyên nhân do đâu?

Ông Hòa, cư dân tại chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), cho biết cư dân cũng mong muốn sớm được di dời để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, họ và chủ đầu tư thường không tìm được tiếng nói chung về chi phí đền bù và phương án tái định cư nên vẫn cố bám trụ.

“Chi phí đền bù quá thấp, không đủ để chúng tôi mua một căn hộ mới. Trong khi tái định cư thì quá xa trung tâm, thiếu thốn”, ông Hòa nói.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từng cho biết nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc di dời cải tạo chung cư cũ là khâu thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại nhiều chung cư cũ, mặc dù phần lớn hộ dân đã đồng ý và di dời nhưng vẫn còn có một số người không đồng tình, họ thường đưa ra mức giá bồi thường quá cao. Điều này tạo ra sự không công bằng với phần lớn hộ dân đã đồng ý di dời trước đó. Thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương cũng khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều điểm bất hợp lý trong cách tính toán bồi thường, tái định cư giữa chủ đầu tư và các hộ dân.

Theo đại diện diện một doanh nghiệp địa ốc, việc cải tạo chung cư cũ rơi vào bế tắc là do giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền chưa có niềm tin vào nhau. Người dân thì luôn trong trạng thái phòng thủ, đề phòng vì sợ doanh nghiệp lấy mất lợi ích của mình nên khi thương thảo giá cả bồi thường họ luôn đưa ra những yêu cầu và mức giá rất cao so với thực tế. Nhiều dự án, chỉ một vài hộ dân không đồng ý, chính quyền cũng thiếu chế tài hỗ trợ khiến dự án bị kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư mất đi cơ hội, một lượng vốn bị chôn chân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng một phần nguyên nhân cũng do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, chưa hợp lý. Ngoài ra, chỉ tiêu quy hoạch áp dụng để xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng chưa tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn.

Nguyễn Văn

Exit mobile version