Site icon Homeone

Cần an cư, chắt chiu từng đồng rồi lại liều xây nhà không phép

Lâu nay xây dựng không phép xảy ra tràn lan tại một số quận, huyện vùng ven TP.HCM. Hàng loạt cán bộ, công chức huyện, xã liên tục bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng. Thế nhưng tại sao tình trạng xây dựng không phép vẫn diễn ra?

Cần giải quyết căn cơ vấn đề nhà ở cho người dân mới giảm được nạn xây nhà không phép. Trong ảnh: tháo dỡ nhà xây không phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM

Tiền ít sao mơ nhà sổ hồng

Đường sá ở hai xã Vĩnh Lộc A và B còn gập ghềnh, tạm bợ. Nhiều tuyến đường nham nhở ổ voi, ổ gà, mưa xuống đóng vũng, sình lầy. Từ trên cao, những khoảng đất rộng, cỏ cây mọc um tùm như tấm “da beo” giữa khu dân cư hoang sơ, nhếch nhác. Trong những khu đất trống ấy là những ngôi nhà xây dựng không phép tràn lan.

Một tháng nay, bà Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi, sinh sống tại tổ 8, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) như ngồi trên lửa khi nhận quyết định buộc phá dỡ nhà xây không phép. Căn nhà bà mới mua ở chưa được 6 tháng có khả năng bị đập bỏ.

Vợ chồng bà vào Sài Gòn làm ăn gần 20 năm, cưới nhau được 14 năm. Dành dụm được 350 triệu đồng, vợ chồng bà vay thêm 350 triệu đồng tính mua căn nhà nhỏ thoát đời ở trọ.

Cầm 700 triệu đồng nhưng hơn một năm vợ chồng bà không tìm được nhà nào có giấy tờ bán với giá ấy. Tháng 2-2019, vợ chồng bà chấp nhận mua bằng giấy tay căn nhà 36m2 xây trên đất nông nghiệp.

Biết có rủi ro nhưng bà Phượng thở dài: “Quanh đây cũng với diện tích như tui mua mà có giấy tờ giá bán toàn tiền tỉ, tiền đâu mua. Phải liều mua giấy tay mới có nhà ở”.

Những khu nhà xây dựng trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Bên cạnh nhà bà Phượng, một căn nhà xây không phép vừa bị đập còn ngổn ngang gạch đá, mái tôn, xà gỗ… Bà Phượng cho biết chủ nhà là một gia đình công nhân nghèo, dành dụm tiền của sau 20 năm buôn bán, làm lụng ở Sài Gòn mới mua được mảnh đất không giấy. Bỏ hoang 10 năm không thấy quy hoạch điều chỉnh, vợ chồng liều về dựng tôn ở.

Hằng ngày làm dư dả chút tiền thì mua ít gạch, ximăng về âm thầm xây nhà lên nhưng giờ bị đập bỏ, vợ chồng, con cái lại rời đi thuê trọ ở.

“Cùng cảnh nghèo tui hiểu, làm ra đồng tiền cực khổ chắt chiu giờ bị đập nát đau lắm. Ai mà không muốn mua nhà hợp pháp để ở…” – bà Phượng nói, mắt đỏ hoe.

Ở hai xã Vĩnh Lộc A và B rất nhiều người dân mua nhà, đất bằng giấy tay. Từ người mua nhà bằng giấy tay, ông D.T. (62 tuổi) trở thành môi giới nhà đất không giấy tại khu vực ấp 3, xã Vĩnh Lộc A.

Ông T. cho biết người vào mua đất “khu không giấy” toàn là công nhân, dân nghèo. Mua xong họ liều lợp tạm mái tôn, xây cất tạm bợ để ở. Nhiều nhà dân “xây chui” bị đào móng, phá dỡ nhưng rồi một thời gian cũng tái diễn.

“Nghèo khổ, người ta mới chịu vô đây liều mua nhà không giấy để ở. Nhiều khi không có tiền, hai ba người hùn hạp mới đủ mua miếng đất nho nhỏ cất nhà ở tạm bợ” – ông T. ngậm ngùi.

Ngoài trời mưa ngày một nặng hạt, giấc mơ một mái nhà an cư lập nghiệp của nhiều người xa xứ vào mưu sinh tại Sài Gòn – “vùng đất hứa” nặng trĩu, dường như càng buồn hơn.

Nhà xây không phép của người dân bị cưỡng chế tháo dỡ ở xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh

Thiếu đất ở, thừa đất nông nghiệp

Một tháng nay, Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp vạch rõ bản chất việc xây dựng nhà không phép, sai phép. Nhiều nguyên nhân như cán bộ, công chức quản lý buông lỏng, sai phạm; đầu nậu, “cò đất” thao túng… được chỉ ra.

Nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ, bất cập quy hoạch, thiếu đất ở là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng xây nhà không phép tràn lan, khó kiểm soát ở vùng ven.

Hiện tại huyện Bình Chánh đang rất “nóng” vì các đoàn thanh tra, kiểm tra và điều tra làm việc về tình trạng sai phạm xây dựng diễn ra tràn lan. Không chỉ năm nay mà từ trước tới nay đã có nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật do buông lỏng, thậm chí tiếp tay để xảy ra vi phạm xây dựng.

Nhưng thực tế, hết cán bộ, công chức này bị xử lý, điều chuyển công tác đi nơi khác, người khác về lại bị kỷ luật vì để xây dựng không phép hoành hành. Tại sao vậy?

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phượng như ngồi trên lửa khi nhận quyết định buộc tháo dỡ căn nhà xây không phép mà ông bà vừa mua được 6 tháng. Bên cạnh là căn nhà hàng xóm đã bị tháo dỡ

Mới đây, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM, bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng trăn trở huyện đang gặp khó khăn vì dân số đông, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ tăng cao nhưng đất ở lại thiếu.

Điều này thấy rõ nhất ở hai xã Vĩnh Lộc A và B. Tại xã Vĩnh Lộc A theo thống kê có khoảng 120.000 dân. Nếu tính mỗi người cần 19,7m2 (diện tích nhà ở bình quân của TP.HCM), xã này cần khoảng 240ha sàn nhà ở. Tuy nhiên quy hoạch chung huyện Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc A chỉ có khoảng 235ha đất ở hiện hữu.

Trừ phần đất dành cho đường sá, kênh rạch…, đồng thời chiếu theo quy định mật độ xây dựng thì chỉ còn khoảng 144ha đất thuần để xây nhà. Nghĩa là mới đáp ứng tối đa 60% nhu cầu nhà ở cho dân.

Tương tự, xã Vĩnh Lộc B có khoảng 120.000 dân nhưng xã cũng chỉ đáp ứng được tối đa 132ha đất để xây nhà. Trong khi theo quy hoạch chung, đất nông nghiệp của xã Vĩnh Lộc A còn 745ha, của xã Vĩnh Lộc B là 548ha. Ông Huỳnh Văn Thanh – trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Bình Chánh – cho biết trong tổng số diện tích đất được quy hoạch là đất ở có cả đất làm đường, sông rạch và các loại đất khác không xây được nhà.

Mặt khác, nhiều hộ gia đình ở quận, huyện vùng ven như Bình Chánh sở hữu những thửa đất lớn nên mật độ xây dựng thấp hơn những quận nội thành.

Chưa kể người ở nơi khác cũng tìm đến khu vực này để mua nên tính ra đất ở không đủ cho nhu cầu của người dân nhập cư đông và ngày càng tăng trên địa bàn huyện.

Theo Tuổi Trẻ

Exit mobile version